14/02/2022
Lượt xem: 419
Nghiệm thu kết quả thực hiện dự án “Xây dựng mô hình trồng hành tím xen canh gối vụ ớt sừng vàng Châu Phi trong nhà lưới ứng dụng công nghệ tưới tự động tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng”
Sáng ngày 10 tháng 02 năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức họp Hội đồng KH&CN chuyên ngành tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện dự án “Xây dựng mô hình trồng hành tím xen canh gối vụ ớt sừng vàng Châu Phi trong nhà lưới ứng dụng công nghệ tưới tự động tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng” do Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng chủ trì thực hiện, Chủ nhiệm dự án là KS. Thạch Thu Hiền. Kết quả được Hội đồng KH&CN chuyên ngành tư vấn đánh giá đạt yêu cầu.

Tỉnh Sóc Trăng có diện tích gieo trồng hành tím lớn nhất Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), trong đó chỉ riêng thị xã Vĩnh Châu có 6.500 - 7.000 ha, sản lượng đạt 102.600 tấn. Tuy nhiên, việc canh tác hành tím theo mùa vụ đơn lẻ không mang lại hiệu quả khả quan cho người nông dân nếu như năm đó mất mùa hay hành tím rớt giá. Ngược lại, hành tím được trồng xen canh với cây rau màu khác, đặc biệt là cây ớt sẽ mang lại hiệu quả khả quan cho người nông dân. Điều này đã được thực tế chứng minh qua mô hình trồng hành tím trong nhà lưới xen canh ớt sừng vàng của hộ nông dân Thạch Soal. Kết quả mô hình cho thấy, thu hoạch hành tím đạt 500 kg (hành khô), giá bán trung bình 50.000 đồng/kg, lợi nhuận thu được 15 triệu đồng/500 m2.
Bên cạnh đó, nguồn nước là một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển của cây trồng, việc cung cấp đủ lượng nước, phân bón cho nhu cầu phát triển và sinh trưởng là rất quan trọng, nếu cung cấp thừa, thiếu hoặc không đúng thời gian đều ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội và dưới sự tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên nước thì vấn đề tưới tiết kiệm nước đang rất cần được quan tâm. Vì vậy, dự án “Xây dựng mô hình trồng hành tím xen canh gối vụ ớt sừng vàng Châu Phi trong nhà lưới ứng dụng công nghệ tưới tự động tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng” được thực hiện nhằm tăng hiệu quả kinh tế cho người dân, hướng tới sản phẩm hành tím an toàn, nâng cao sức khỏe cộng đồng và góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững tại Vĩnh Châu nói riêng và ĐBSCL nói chung.
Dự án được triển khai từ tháng 11/2020 từ nguồn vốn sự nghiệp KH&CN, đến nay dự án đã thực hiện được một số kết quả như sau: Đã khảo sát chọn điểm, chọn hộ thực hiện mô hình tại hộ ông Lý Vết, ấp Hoà Thành, xã Lạc Hoà, thị xã Vĩnh Châu; Xây dựng mô hình trồng hành tím xen canh gối vụ ớt sừng vàng Châu Phi, hành tím giống mùa mưa với diện tích 500 m2; Lắp đặt hệ thống tưới tự động cho mô hình; Tập huấn qui trình trồng, chăm sóc hành tím xen canh gối vụ ớt sừng vàng Châu Phi, hành giống mùa mưa cho 02 hộ dân và 05 kỹ thuật viên; Thu thập, phân tích và xử lý số liệu thống kê; Tổ chức hội thảo giới thiệu kết quả thực hiện mô hình.
Qua 14 tháng triển khai thực hiện dự án, nhóm thực hiện đã triển khai tốt các nội dung theo Thuyết minh được phê duyệt. Kết quả, vụ hành tím thương phẩm năng suất đạt 1.227 kg/500 m2; ớt sừng vàng Châu Phi năng suất đạt 780 kg/500 m2; vụ hành tím giống năng suất đạt 700 kg/500 m2 cao hơn so với mô hình đối chứng (mô hình đối chứng đạt lần lượt là 1.144 kg/500 m2; 360 kg/500 m2 và 610 kg/500 m2).
Bên cạnh đó, việc ứng dụng hệ thống tưới phun tự động trong nhà lưới kiểm soát được thời gian, lượng nước tưới phù hợp với cây trồng, giúp tiết kiệm được 80 – 90% thời gian tưới trong ngày và tiết kiệm từ 48 - 74% lượng nước tưới cho cây, hạn chế sâu bệnh, mô hình không chỉ giúp cho cây trồng sinh trưởng phát triển tốt mà còn giúp nâng cao năng suất cây trồng. Từ đó, mô hình giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Kết quả, qua 3 vụ trồng hành tím thương phẩm, ớt sừng vàng Châu Phi và hành tím giống, mô hình đã mang lại lợi nhuận hơn 31 triệu đồng/năm, cao hơn gần 10 triệu đồng so với đối chứng. Ngoài ra, mô hình còn giúp người dân tiếp cận được những tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong canh tác, nâng cao nhận thức về việc tiết kiệm nguồn nước tưới và phát triển diện tích đất trồng trong điều kiện thiếu nguồn lao động như hiện nay.
Lưu Thị Kiều Oanh